Lãnh đạo các Bộ cùng các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi, chia sẻ tại hội thảo.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot & Cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp đang cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp để trả lời câu hỏi “Ai?” và “Làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này. Do đó, những giải pháp đề xuất để triển khai thực hiện cần có sự nhìn nhận, đánh giá tổng thể và toàn diện nhưng bước đi thì phải cụ thể, phù hợp để đảm bảo chúng ta đón nhận thành công những cơ hội mà Công nghệ robot & Cơ điện tử nói riêng và CMCN 4.0 nói chung có thể mang lại”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nêu vấn đề.
Cũng theo Thứ trưởng Hưng, để mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học, các nhà khoa học cần sớm có những hành động, đề tài, dự án cụ thể, thiết thực để cùng phối hợp triển khai thực hiện, làm cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực Robotics & Mechatronics.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ đồng hành cùng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ “thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam tại nước ngoài làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ”, được quy định tại Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cần xây dựng một mạng lưới liên kết chặt chẽ
Theo TS Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa hiện nay đã phổ biến trên thế giới và mang lại những hiệu quả lớn đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp.
“Việc đưa robot vào ứng dụng trong doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Về vấn đề này không chỉ các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận thức được mà doanh nghiệp cũng đang cho thấy họ có nhu cầu rất lớn với robot, đặc biệt là robot công nghiệp”, TS Hoàng Việt Hồng cho hay.
Cũng theo TS Hồng, trên thực tế, doanh nghiệp muốn tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, có thêm nhiều robot để phục vụ sản xuất đang còn gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt các bài toán đặt ra về nhân sự, vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi…
“Cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cũng cần được chú trọng”, TS Hồng khẳng định.
TS Hoàng Việt Hồng cho rằng cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam.